Ông chủ Nhà Trắng John_F._Kennedy

Kennedy gặp Thị trưởng Tây Berlin Willy Brandt, Tháng 3, 1961

Ngày 20 tháng 1 năm 1961, John F. Kennedy tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn nhậm chức, Kennedy kêu gọi người dân Mỹ hãy trở nên những công dân tích cực, "Đừng bao giờ hỏi đất nước có thể làm gì cho chúng ta, hãy tự hỏi chúng ta có thể làm gì cho đất nước này" (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country). Ông cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau để cùng chiến đấu chống lại điều ông gọi là "những kẻ thù chung của nhân loại... độc tài, nghèo khổ, bệnh tật và chiến tranh".

Đối ngoại

Hội kiến với Nikita Khrushchev năm 1961.

Ngày 17 tháng 4 năm 1961, John F. Kennedy ra lệnh tiến hành kế hoạch xâm lăng Cuba. Với sự trợ giúp của CIA, trong cái gọi là cuộc xâm lăng Vịnh Con Lợn (Playa Girón), 1.500 người tị nạn Cuba được huấn luyện tại Hoa Kỳ thuộc "Lữ đoàn 2506", quay lại đảo quốc với hi vọng sẽ lật đổ Fidel Castro. Nhưng CIA đã thẩm định sai tinh thần đề kháng của người dân Cuba, cùng một số sai lầm trong khi tiến hành cuộc xâm lăng, đã khiến kế hoạch trở thành một thất bại thảm hại. Ngày 19 tháng 4, hầu hết những người đổ bộ lên đảo hoặc bị giết hoặc bị bắt giữ, và Kennedy buộc phải thương thảo để 1189 người được trả tự do[13]. Đây là một vết ố trong chính sách đối ngoại của chính phủ Kennedy, nhưng tổng thống đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về phần mình. Ngày 1 tháng 5 năm 1961, nhà lãnh đạo Fidel Castro tuyên bố:[14]

...Nếu ngài Kennedy không ưa Xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta cũng ghét chủ nghĩa đế quốc vậy. Chúng ta căm ghét chủ nghĩa tư bản.

— Fidel Castro

Ngày 13 tháng 8 năm 1961, chính quyền Đông Đức bắt đầu cho xây dựng bức tường Berlin phân cách Đông Berlin khỏi khu vực phía tây của thành phố vì cớ sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại khu vực này. Kennedy không tiến hành biện pháp nào để tháo dỡ bức tường và hành động rất ít để đảo ngược hoặc ngăn chặn việc xây dựng kéo dài bức tường đến 155 km.

Kennedy họp với Nội các khi đang xảy ra cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba, 29 tháng 10 năm 1962.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba bắt đầu vào ngày 14 tháng 10 năm 1962 khi máy bay thám thính U-2 của Hoa Kỳ chụp ảnh địa điểm hỏa tiễn đạn đạo tầm trung đang được xây dựng tại Cuba. Kennedy bị đặt vào một tình thế nan giải: nếu Hoa kỳ tấn công địa điểm đặt hỏa tiễn, chiến tranh hạt nhân có thể bùng nổ. Nếu không làm gì để đối phó với hiểm họa vũ khí hạt nhân đang cận kề, và nếu bị tấn công trước, Hoa Kỳ sẽ không có khả năng trả đũa. Một mối lo nữa là ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy yếu tại Tây Bán Cầu. Nhiều viên chức quân sự và thành viên nội các gây áp lực nhằm tiến hành một cuộc tấn công bằng không lực vào các địa điểm này, nhưng Kennedy ra lệnh mở một cuộc phong tỏa bằng hải quân và bắt đầu đàm phán với Liên Xô. Thay vì từ "phong tỏa", từ "cách ly" được dùng để miêu tả sự việc, vì theo định nghĩa của công pháp quốc tế, phong tỏa là một hành động chiến tranh. Một tuần sau đó, John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Xô viết - Thủ tướng Nikita Sergeyevich Khrushchyov, tiến tới một thỏa hiệp, theo đó Khrushchov đồng ý gỡ bỏ các hỏa tiễn nếu Hoa Kỳ cam kết không xâm lăng Cuba, và thỏa thuận ngầm gỡ bỏ hỏa tiễn đạn đạo của Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng sáu tháng. Biến cố này, đem toàn thế giới đến gần với nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết, đã giúp Kennedy học biết dè dặt hơn khi đối đầu với Liên bang Xô viết. Và cam kết không bao giờ xâm lăng Cuba vẫn được tôn trọng cho đến ngày nay – năm 2013.

Một trong những nỗ lực nhằm thể hiện niềm tin của Kennedy vào sức mạnh của thiện chí hòa bình với mục đích cải thiện thế giới là việc thành lập Đoàn hòa bình (Peace Corps), một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách tổng thống. Qua chương trình này, vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, các nhân viên thiện nguyện tìm đến các quốc gia kém phát triển để giúp đỡ người dân tại đó trong các lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và xây dựng.

Tổng thống Kennedy tại Ireland, 27 tháng 6 năm 1963.

Lo ngại về những hiểm họa lâu dài của tình trạng ô nhiễm phóng xạ và việc phổ biến vũ khí hạt nhân, Kennedy thúc đẩy việc thông qua Thỏa ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân bán phần, theo đó các cuộc thử nghiệm trên mặt đất, trong bầu khí quyển, dưới nước bị cấm, nhưng không cấm các vụ thử nghiệm dưới lòng đất. Hoa Kỳ, Anh và Liên bang Xô viết là những nước đầu tiên đặt bút ký thỏa ước này. Kennedy ký ban hành thỏa ước tháng 8 năm 1963. Kennedy tin rằng đây là một trong những thành quả lớn nhất của chính phủ ông.

Đối nội

Kennedy sử dụng thuật ngữ "Biên giới mới" (New Frontier) cho chính sách đối nội của mình. Với nhiều tham vọng, chương trình này hứa hẹn cung cấp ngân sách liên bang cho các đề án giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người già, và chính phủ sẽ can thiệp để kìm hãm đà suy thoái. Kennedy cũng cam kết chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc.

Nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc là một trong những vấn đề thúc bách nhất của chính phủ Kennedy. Năm 1954 Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết chấm dứt tình trạng phân cách học sinh da trắng và da màu tại các trường công lập. Dù vậy, vẫn còn nhiều trường học, đặc biệt tại các tiểu bang miền Nam không chịu tuân theo phán quyết, cũng tiếp tục diễn ra nhiều hành vi kỳ thị trên xe buýt, trong nhà hàng, rạp chiếu phim và những nơi công cộng khác.

Kennedy đọc Thông điệp Liên bang, 14 tháng 1 năm 1963.

Hàng ngàn người Mỹ thuộc các chủng tộc và thành phần xã hội khác nhau hiệp lại để bày tỏ sự phản kháng đối với tệ nạn này. Kennedy ủng hộ việc hòa hợp chủng tộc và bảo vệ dân quyền. Sự kiện Kennedy gọi điện thoại đến để an ủi và bày tỏ sự cảm thông với bà Coretta Scott King, vợ của Mục sư Martin Luther King, Jr. đang bị giam giữ, trong khi diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960 đã mang đến cho ông sự ủng hộ từ nhiều cử tri. Nhờ sự can thiệp của John và Robert Kennedy mà King sớm được trả tự do[15].Tuy nhiên, sau khi đắc cử, Kennedy cho rằng phong trào dân quyền chỉ gây ác cảm đối với người da trắng miền Nam, vì vậy tiến trình thông qua luật dân quyền sẽ gặp nhiều khó khăn tại Quốc hội (đang dưới quyền kiểm soát của đảng viên Dân chủ miền Nam), ông xa lánh phong trào, khiến nhiều nhà lãnh đạo phong trào dân quyền tin rằng Kennedy không chịu ủng hộ những nỗ lực của họ.

Tháng 6 năm 1963, John F. Kennedy buộc phải can thiệp khi George Wallace, thống đốc tiểu bang Alabama ngăn cản hai sinh viên da đen, Vivian MaloneJames Hood, ghi danh theo học tại Đại học Alabama. Cuối cùng, khi phải đối đầu với vệ binh liên bang, Thứ trưởng bộ Tư pháp Nicholas Katzenbach và vệ binh quốc gia tại Alabama, George Wallace chịu nhượng bộ. Ngay tối hôm đó, Kennedy đọc bài diễn văn nổi tiếng về vấn đề nhân quyền được phát sóng trên các chương trình truyền hình và truyền thanh toàn quốc[16], đưa ra những phác thảo về sau trở thành Đạo luật Dân quyền năm 1964[17].

Trong khuôn khổ chính sách đối nội, năm 1963 John F. Kennedy đệ trình dự luật cải cách thuế, bao gồm việc cắt giảm thuế lợi tức, nhưng dự luật này không được thông qua tại quốc hội cho đến năm 1964, sau khi ông bị ám sát. Đây là một trong những đề án cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ, vượt qua cả luật cắt giảm thuế của Ronald Reagan năm 1981.

Chương trình không gian

Tổng thống Kennedy nhìn vào phi thuyền Friendship 7, 23 tháng 2 năm 1962, Cape Canaveral, Florida.

Kennedy rất tha thiết với mục tiêu đặt Hoa Kỳ vào vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua chinh phục không gian. Liên bang Xô viết đã dẫn trước Hoa Kỳ trong lãnh vực thám hiểm không gian và Kennedy quyết tâm bám đuổi. Ông đã nói "Không một quốc gia nào muốn lãnh đạo các quốc gia khác lại chịu đứng đằng sau trong cuộc đua chinh phục không gian" và "Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng và tiến hành những chương trình khác không phải vì đây là những việc dễ làm, nhưng bởi vì đây là những sứ mạng khó khăn"[18]. Kennedy yêu cầu quốc hội chuẩn chi hơn 22 tỷ đô la cho Đề án Apollo, với mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng trước khi chấm dứt thập niên 1960. Năm 1969, sáu năm sau khi Kennedy chết, mục tiêu này được hoàn thành khi Neil ArmstrongBuzz Aldrin trở thành những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Nội các

CHỨC VỤTÊNNHIỆM KỲ
Tổng thốngJohn F. Kennedy1961–1963
Phó Tổng thốngLyndon B. Johnson1961–1963
Bộ trưởng Ngoại giaoDean Rusk1961–1963
Bộ trưởng Ngân khốC. Douglas Dillon1961–1963
Bộ trưởng Quốc phòngRobert S. McNamara1961–1963
Bộ trưởng Tư phápRobert F. Kennedy1961–1963
Bộ trưởng Bưu điệnJ. Edward Day1961–1963
John A. Gronouski1963
Bộ trưởng Nội vụStewart L. Udall1961–1963
Bộ trưởng Nông nghiệpOrville L. Freeman1961–1963
Bộ trưởng Thương mạiLuther H. Hodges1961–1963
Bộ trưởng Lao độngArthur J. Goldberg1961–1962
W. Willard Wirtz1962–1963
Bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợiAbraham A. Ribicoff1961–1962
Anthony J. Celebrezze1962–1963

Bổ nhiệm vào Tòa án tối cao

Tổng thống John F. Kennedy bổ nhiệm hai thẩm phán cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ:

  1. Byron Raymond White (1962)
  2. Arthur Joseph Goldberg (1962)

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: John_F._Kennedy //nla.gov.au/anbd.aut-an35266141 http://www.americanrhetoric.com/speeches/jfkcivilr... http://www.americanwarriorsfivepresidents.com/ http://www.discogs.com/artist/John+F.+Kennedy http://topics.nytimes.com/top/reference/timestopic... http://www.pollingreport.com/20th.htm http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=24144268 http://radiotapes.com/specialpostings.html#JFK http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na...